• 27
    Nov

    Gan nhiễm mỡ

    http://quysuckhoe.com/blogs/chuc-nang-gan/gan-nhiem-mo
    Đăng bởi
    Danh mục Chức năng gan




    Gan nhiễm mỡ

    Đóng vai trò trung tâm chuyển hoá của cơ thể, gan còn là nơi chuyển hoá, dự trữ chất béo.

    Bác sĩ Đào Minh Phương – Khoa tiêu hoá, Bệnh viện Nhân Dân 115 cho biết: gan nhiễm mỡ là tình trạng mỡ tích tụ trong tế bào gan. Bình thường gan cũng chứa mỡ, khi nào mỡ tích tụ trên 5% trọng lượng gan thì gọi là gan nhiễm mỡ.

    Diến biến

    Gan nhiễm mỡ có thể gây viêm gan hoặc không. Khi gây viêm gan gọi là viêm gan do mỡ. Trên bệnh nhân không uống rượu gọi là viêm gan do mỡ không liên quan tới rượu (NASH). Trên bệnh nhân uống rượu gọi là viêm gan do mỡ có liên quan đến rượu (ASH).

    Một nghiên cứu ghi nhận nếu bệnh nhân gan nhiễm mỡ không do rượu không điều trị sau 3 năm thì kết quả sẽ là 30% tiến triển xấu, 30% không thay đổi, 30% cải thiện.

    Gan nhiễm mỡ thường lành tính nhưng viêm gan nhiễm mỡ có thể làm gan hoá sẹo, xơ gan (10%) và có thể liên quan đến ung thư gan.

    Gan nhiễm mỡ là nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng tăng men gan hiện nay (do tỷ lệ béo phì tăng cao). Còn viêm gan do mỡ là nguyên nhân thứ 3 dẫn đến xơ gan (sau rượu và viêm gan siêu vi C). Tại các nước Châu Á, gan nhiễm mỡ cũng thường thấy ở người có chỉ số BMI bình thường. Tỷ lệ gặp ở nữ nhiều hơn nam.

    Nguyên nhân

    1. Nếu uống > 10 – 20 g (số ml x độ rượu x 0.8) : 100) rượu nguyên chất/ngày, hoặc uống một chai bia (bằng 50 g rượu trắng) trong thời gian 5 năm có thể làm gan nhiễm mỡ.
    2. Dinh dưỡng: 50 – 80% bệnh nhân béo phì (BMI > 25) có gan nhiễm mỡ. Đặc biệt là béo phì phần bụng dễ dẫn đến gan nhiễm mỡ vì tế bào mỡ xung quang bụng rất nhạy cảm với chất kích thích để phóng thích axit béo. Đừng tưởng chỉ những ai dư cân mới có nguy cơ, suy dinh dưỡng nặng cũng là một trong những nguyên nhân. Cơ thể không đủ chất để vận chuyển mỡ ra khỏi tế bào gan và có khả năng kích thích tăng phần axit béo từ các mô mỡ ngoài gan. Trường hợp này thường gặp ở những người ăn chay không đúng cách, thiếu chất đạm, hay muốn giảm cân nhanh.
    3. Một số bệnh chuyển hoá như tiểu đường tuýp 2 (30% bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 có gan nhiễm mỡ), tăng triglyceride, hội chứng Cushing (kích thích phân giải axit béo). Dùng một số thuốc corticosterroids, amiodarone, methtrexate, estrogen, tetrachloride (ức chế oxy hoá mỡ của tế bào gan); hoặc bệnhWilson, viêm gan siêu vi C… Cũng làm gan nhiễm mỡ.

    Gan nhiễm mỡ thường là lành tính nhưng viêm gan nhiễm mỡ có thể làm gan hoá sẹo, xơ gan và có thể liên quan đến ung thư gan.

    Không có thuốc điều trị đặc hiệu

    Đa số bệnh nhân không có triệu chứng rõ ràng, thường phát hiện tình cờ. 50% bệnh nhân viêm gan do mỡ không liên quan đến rượu, có thể có triệu chứng: mệt mỏi, chán án, đau tức hạ sườn phải. Chỉ khi bệnh tiến triển đến xơ gan, bệnh nhân mới có thể chú ý qua các triệu chứng báng bụng, phù chân…

    Theo bác sĩ Đào Minh Phương, hiện nay không có thuốc điều trị đặc hiệu. Một số thuốc như Ursode – Oxycholic acid (có trong mật gấu), vitamin E có thể giúp ổn định men gan nhưng việc cải thiện bất thường ở gan thì chưa rõ.

    Nếu được chẩn đoán gan nhiễm mỡ, bệnh nhân nên điều trị nguyên nhân, áp dụng các phương pháp phòng ngừa, tái khám định kỳ để theo dõi tiến triển bệnh mỗi 3 – 6 tháng, ăn theo chế độ của người bệnh gan nhiễm mỡ.

    Khi điều trị bệnh phải dựa theo nguyên nhân gây bệnh. Nếu do rượu, thì phải ngưng rượu, bởi đây là nguyên nhân duy nhất có thể hồi phục hoàn toàn tổn thương gan, ngăn chặn diễn tiến thành viêm gan, xơ gan. Nghiên cứu cho thấy, khi cai rượu ở người chỉ có gan nhiễm mỡ đơn thuần không bệnh lý đi kèm thì sau 1 tháng, men gan sẽ bình thường, 4 – 6 tháng sau cơ chuyển biến về kết cấu, 1 – 2 năm sau hồi phục hoàn toàn.

    Nếu do béo phì, cần giảm cân an toàn, giảm mỗi tuần từ 0.5 – 1 kg. Trong trường hợp nặng, có thể áp dụng các biện pháp phẫu thuật như khâu nối dạ dày, cắt ruột non hoặc dùng thuốc giảm cân theo chỉ định bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng. Trường hợp do suy dinh dưỡng nặng, cần bổ sung chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là chất đạm. Nếu cần có thể tham khảo y kiến của bá sĩ chuyên khoa dinh dưỡng. Nếu do bệnh nhân chuyển hoá, bệnh viêm gan siêu vi C, bệnhWilson, thì cần nghiêm chỉnh tuân thủ cách điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Nếu do thuốc, ngưng các thuốc gây độc cho gan và thay bằng những loại thuốc an toàn theo hướng dẫn của bác sĩ.

    cần giảm ăn thực phẩm giàu cholseterol như phủ tạng động vật, lòng đỏ trứng. Hạn chế chất béo, ưu tiên chọn dầu thực vật, hạn chế mỡ động vật (trừ mỡ cá). Ăn ít chất đường, sử dụng chất đạm vừa phải đúng với khả năng của gan.

    Khẩu phần ăn…

    Một số thức ăn được xem là “thuốc” có tác dụng làm giảm mô trong gan hiệu quả như: sữa đậu nành, trà xanh, lá sen, hoa hoè, bắp ngô, nấm hương, đậu hà lan, cà chua tươi chín, ớt vàng, rau ngót, rau cần tây, cam quýt, bưởi, táo… Khẩu phần ăn cần tăng lượng rau, trái cây mỗi ngày, nên ăn tối thiểu 300 g rau xanh, 200 g quả chín tươi. Tập thể dục đều đặn 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần. Kiểm tra các bệnh lý tiểu đường, tăng Triglyceride máu định kỳ mỗi 6 tháng hoặc 1 năm /lần.

    (Theo Nguyễn Lê tạp chí Sức khoẻ là số 1)

    CHƯA CÓ ĐÁNH GIÁ, BẠN HÃY LÀ NGƯỜI ĐẦU TIÊN

    XIN ĐÁNH GIÁ ĐỂ CHÚNG TÔI TỐT HƠN

Những bình luận